hòa vào lời nguyện xin Hồng Ân Thượng Đế cho Quê Hương Dân Tộc, trong ánh sáng chập chờn của ngọn nến dâng cao. Nhà hàng Crystal Palace không còn một chỗ trống, hơn 700 tấm lòng đang thổn thức hướng về bóng đêm đất Mẹ. Sự im lặng nhiệm mầu với mỗi hơi thở của từng con tim viễn xứ là một lời nguyện cầu quyện chung giòng máu cội nguồn. Đức tin tôn giáo vượt qua mọi biên giới do con người vạch tuyến, từ những tín hữu Thiên Chúa Giáo đang âm thầm vác nặng trên vai Thánh Giá đến bạn đồng hương tuy không cùng chung đạo, mọi người đều âm thầm gánh nỗi đau cùng Tổ Quốc. Lời hát quốc ca Úc-Việt lại vang lên, và trong phút mặc niệm dường như vong linh những người đã hy sinh vì Tổ Quốc Tự Do đang hiện về để lắng nghe Giai Điệu Tri Ân do Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh hợp xướng trang trọng và đầy xúc động.
Tôi đứng lặng, bàng hoàng, tự thấy mình nhỏ bé trên hành trình Tận Hiến. Tiếng trống Diên Hồng lại nổi lên, trang sử kiêu hùng và hợp nhất của Dân Tộc ngàn xưa lại bùng lên rộn ràng, hòa chung vũ khúc Con Có Một Tổ Quốc Việt Nam, nao nao lòng người với quá khứ lẫm liệt của Tiền Nhân, với tận cùng khổ nạn trên quê hương hiện tại và với lời nguyện cầu Hồng Ân cho tương lai bừng sáng về một Mùa Xuân Dân Tộc vĩnh hằng.
Qua phần khai mạc đêm Hân Hoan Niềm Vui Giáng Sinh 2010, trang trọng và nao lòng cùng hướng về Đất Mẹ, nhất định Tin Mừng sẽ đến, là lời giới thiệu chân tình của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ Tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang NSW về Linh Mục Nhạc Sĩ Văn Chi, tác giả Trường Ca Trang Sử Mẹ Quê Hương Việt Nam và Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh. 35 năm lìa xa Tổ Quốc cũng là hành trình 35 năm bước theo các chặng đường Thánh Giá trong thiên chức Linh Mục của người nhạc sĩ tài hoa Văn Chi với nguồn sáng tác dường như bất tận về Thánh Ca và Quê Hương, 39 năm dìu theo giòng nhạc Trầm Khúc Hoan Ca đem Đạo vào Đời theo mệnh Nước nổi trôi với Tâm Nguyện trọn lời Tận Hiến, ngay từ trong bóng tối lao tù vì giữ vẹn Đức Tin.
Vị Linh Mục trẻ từ 35 năm về trước, từ giáo xứ Thái Hòa, địa phận Long Xuyên, sau ngày miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, tù nhân vì tội sáng tác Thánh Ca trong chế độ Vô Thần, người tỵ nạn lưu vong, nhạc sĩ mang tên Văn Chi quen thuộc trong Đời và Đạo, bước lên diễn đàn đọc lời Nguyện Cầu Mẹ La-Vang trong ánh nến chập chờn ảo ảnh, thoáng hiện Vũ Điệu cùng tiếng đồng ca Gần Nhau Trao Cho Nhau, với trọn niềm Giao Cảm. Tác phẩm Hân Hoan Niềm Vui và Trang Sử Mẹ Quê Hương Việt Nam, Linh Mục Nhạc Sĩ Văn Chi đã viết bằng hơi thở và giòng máu đầy Tình Thương Nhân Loại, Tình Yêu Quê Hương, Đức Tin son sắt một đời rao giảng Tin Lành, được trang trọng trình diện cùng cử tọa đang hân hoan chào đón. Tiếng pháo bông nhỏ nổ vang, tủa rụng hàng ngàn cánh hoa long lanh màu sắc chen lẫn tiếng vổ tay mừng vui rộn ràng của những tấm lòng cùng chung Tâm nguyện trong Đêm Hồng Ân. Bóng dáng của người chăn chiên-nhạc sĩ nổi danh trông rất bình thường, khiêm cung, hòa chung cùng anh chị em ca đoàn trên sân khấu nhưng vẫn tỏa nét rạng rỡ riêng biệt như được bao phủ bằng ánh sáng Phúc Âm và Nghệ Thuật một đời phục vụ Nhân Sinh và Dân Tộc. Xin Tạ Ơn Mẹ Việt Nam đã cho thêm Đời một người Con biết giữ thơm và phát huy Lẽ Sống, vượt qua trăm ngàn thử thách cam go để bảo tồn Niềm Tin và sức Sáng Tạo vì Chân Thiện Mỹ.
Đêm ca nhạc Hân Hoan Niềm Vui và giới thiệu tác phẩm Trường Ca Mẹ Quê Hương Việt Nam được tiếp diễn với Liên Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh qua đồng ca hoặc dơn ca với nhiều anh chị em nghệ sĩ nổi danh trong sinh hoạt thánh ca và văn nghệ cộng đồng tỵ nạn. Qua lời giới thiệu nồng nhiệt của các MC Trường Giang và Hồng Phúc, có lúc hào hứng vui tươi, có khi thanh thoát nhẹ nhàng, toàn bộ chương trình ca nhạc và vũ điệu dài suốt mấy tiếng đồng hồ đến tận khuya, đã đưa âm nhạc thánh thiện và hơi thở quê hương vào tận mỗi lòng người tham dự. Người nhạc sĩ được lòng yêu kính của mọi người đã đi đến từng bàn, trao cho nhau những nụ cười hân hoan, những bắt tay nồng ấm, và đặc biệt là Niềm Tin như trong lời ca từng vang lên vào những đêm Giáng Sinh mầu nhiệm “Bình An dưới thế cho người Thiện Tâm”. Bình An trên quê hương bên kia bờ đại dương để cái Ác không còn hiện diện trong kiếp sống và nỗi đau từng ngày của người dân đang gánh chịu muôn vàn khổ nạn.
Tôi lắng nghe từng ca khúc qua phong cách trình diễn của từng ca sĩ, mỗi người một truyền cảm đặc biệt, chuyên nghiệp hoặc tài tử, quá nhiều, xin lỗi không thể ghi nhớ hết tên. Chỉ xin tận lòng thân gửi một lời Tạ Ơn. Từ các nhạc phẩm Tìm Về Mẹ Yêu, Phó Thác Đời Lữ Hành, Về Đây Với Mẹ, Cho Con Sứ Vụ Hồng Ân, Như Một Lời Cầu, Hân Hoan Niềm Vui...qua các vũ điệu với dáng dấp ngây thơ trong sáng của các em, hóa trang thành tu sĩ, nét thiên thần tỏa sáng qua ánh nến lung linh, tâm hồn tôi như đang chìm đắm trong một giấc mơ đuợc trở về quê cũ. Nơi đó sẽ không còn hận thù, tang tóc, và Con người không còn là Ác Thú trong hằng xử với nhau, Nhân Phẩm và Đức Tin vàng rực hướng dương trên từng nẻo đường quê hương. Linh Mục Nhạc Sĩ Văn Chi, sinh ra và lớn lên từ miền Bắc, sẽ lại về tắm trong dòng nước sông Hồng cho hết bụi lưu vong, hòa nhạc chung cùng các điệu quan họ Bắc Ninh một thời xa xưa của Dân Tộc, tôi sẽ được về vẫy vùng trên bến nước Thu Bồn Quảng Nam không còn xác mẹ trôi sông, hoặc cùng nhau về lại giáo phận Thái Hòa, Long Xuyên, ngồi nghe vọng cổ trong hương đồng gió nội thân yêu.
Ra về, trong ánh đèn đường xứ lạ, tôi nhớ lại bản trường thi Dòng Nước Mắt Của Mẹ mà tôi đã sáng tác qua trí nhớ trong lao tù cộng sản, cũng vào một đêm giáng sinh, có hai câu kết, xin kính tặng Linh Mục Nhạc Sĩ Văn Chi cùng anh chi em Ca Đoàn Lê Bảo Tịnh, đồng cảm trên hành trình còn lại trong đời:
“Dù là bụi, xin vuông tròn hạt bụi,
Lăn theo đường Thánh Giá của Cha đi !”.
Úc Châu, đêm 04.12.2010
|